Màng sơn bị cháy kiềm, kiềm hóa.
Hiện tượng:
- Màu bị bạc thành từng vết loang lổ, không có ranh giới rõ rệt, các vết bạc màu thường có màu trắng hoặc vàng nhạt.
- Nếu tường có các vết nứt hay bị ngấm ẩm thì hiện tượng xảy ra rõ rệt hơn.
Nguyên nhân:
- Không sử dụng sơn lót kháng kiềm hoặc sử dụng sơn lót có chất lượng thấp. Pha nước quá nhiều vào sơn.
- Lăn sơn không đều.
- Do tường có độ kiềm quá cao, kiềm dễ dàng tấn công vào màng sơn và phá hủy màng sơn.
- Do tường bị nhiễm hóa chất có tính kiềm (ví dụ: xà phòng, chất tẩy rửa…)
- Sơn được thi công khi tường chưa đạt độ khô cần thiết, độ ẩm lớn (tường trát xong chưa được 28 ngày hoặc tường trát đã được 28 ngày nhưng thời tiết nồm ẩm, gặp mưa).
- Tường có vết nứt và bị ngấm ẩm từ bên ngoài vào.
Biện pháp khắc phục.
- Xả nhám bề mặt sơn cũ để cho hơi nước thoát ra và để cho tường khô.
- Xử lý triệt để các nguồn gây ẩm (xử lý vết nứt, chống thấm các khu vực có nguy cơ thấm ẩm….)
- Làm vệ sinh bề mặt sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn, các chất dầu mỡ bằng phương pháp thích hợp.
- Trước khi sơn phải kiểm tra độ ẩm của tường, đảm bảo độ ẩm theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất (sử dụng máy đo độ ẩm).
- Tiến hành sơn lại theo hệ thống tiêu chuẩn: thi công từ 1-2 lớp sơn lót kháng kiềm (tốt nhất là nên sơn hai lớp sơn lót kháng kiềm) và 2 lớp sơn hoàn thiện, các lớp sơn phải cách nhau ít nhất 2h.
Biện pháp phòng ngừa.
- Luôn sử dụng sơn lót kháng kiềm có chất lượng cao, thi công từ 1-2 lớp sơn lót (tốt nhất là nên sơn hai lớp sơn lót kháng kiềm).
- Khi thi công nên pha nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên pha nước quá nhiều.
- Khi lăn sơn phải đảm bảo lăn đều tay, đặc biệt khi lăn sơn lót phải chú ý lăn cẩn thận sao cho sơn lót trắng đều và đã được thấm sâu vào các mao mạch của tường nhằm ngăn chặn kiềm thoát ra ngoài bề mặt phá hủy lớp sơn phủ bên ngoài.
- Bảo đảm bề mặt tường đạt độ khô cần thiết (nên thi công ít nhất sau 28 ngày tính từ lúc trát xong).
- Nếu có thể, nên sử dụng máy đo độ ẩm để kiểm tra độ ẩm của tường, đảm bảo độ ẩm theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.