CÁCH CHỌN MÀU SƠN VÀ CÁCH SƠN HIỆU QUẢ
Trước khi tiến hành sơn nhà, bạn phải di chuyển hoặc dùng bạt che phủ đồ đạc, vật dụng trong nhà. Để sơn thấm vào tường tốt và bề mặt được láng mịn, bạn phải vá và làm mịn các lỗ đinh, mãng vữa trên bề mặt cần sơn rồi lau chùi cẩn thận các bề mặt đó.
Bạn phải quyết định độ bóng, mịn cho loại sơn bên trong nhà vì điều này ảnh hưởng đến việc giữ vệ sinh cho chúng. Bạn nên chọn loại sơn mịn để dễ lau chùi cho nhà bếp, phòng tắm và tường. Đối với những bức tường trong phòng ngủ, phòng khách và phòng sinh hoạt gia đình, sơn sần như vỏ trứng là một sự lựa chọn tốt, với độ bóng hiếm khi nhận thấy một cách rõ rệt.
Việc quyết định lượng sơn bạn cần dùng cũng rất đáng lưu ý bởi nó giúp bạn không gặp trở ngại trong khi sơn. Vì nếu mua nhiều thì lãng phí mà mua thiếu thì không ổn bởi vì bạn sẽ cần dư một chút sơn để vá những vết va chạm sau khi sơn.
Khi tiến hành sơn nhà, bạn không thể quên việc lựa chọn công cụ để làm công việc này. Nếu bạn chỉ cần sơn mỏng thì nên dùng chổi quét. Chổi lăn bằng bọt biển khi sơn trên các mặt bằng phẳng sẽ mang lại độ mịn và dễ sử dụng. Bàn chổi sơn bằng bông mềm rất phổ biến vì chúng giữ được rất nhiều sơn và nhanh chóng làm nhẵn nhụi bề mặt tường.
Rất có thể bạn sẽ gặp một vài trục trặc trong khi sơn nhà như: sơn bị chảy, màng sơn bị nhăn, phai màu, bong tróc, phấn hóa hay bị giộp… Nếu bạn gặp phải tình huống sơn bị chảy, giải pháp tốt nhất là tránh để sơn ở khu vực quá nóng trong thời gian dài, lưu trữ theo đúng như sự yêu cầu của nhà sản xuất, pha loãng với tỷ lệ dung môi phù hợp.
Đối với trường hợp màng sơn bị nhăn, tránh sơn quá nhiều sơn, đợi lớp sơn bên trong khô hẳn mới bắt đầu sơn lớp ngoài, sơn nhiều lớp mỏng thay vì sơn một lớp dày.
Bạn phải bảo đảm bề mặt tường luôn khô ráo khi sơn, chống thấm bằng dung dịch chống thấm hay kiềm hóa để tránh trường hợp sơn bị phai màu.
Đối với hiện tượng bong tróc, bạn nên kiểm tra và xử lý hiện tượng thấm nước, che phủ khuyết điểm bề mặt bằng bột trét tường, chắc chắn là bề mặt luôn khô ráo trước khi sơn, sử dụng dung dịch chống bị kiềm hóa.
Còn trong trường hợp phấn hóa bạn phải loại bỏ những lớp bột hay muối trên bề mặt sơn, giữ bề mặt khô ráo hoàn toàn. Nếu thấy sơn bị giộp tốt nhất là nên loại bỏ lớp sơn hư trên bề mặt, giữ bề mặt khô ráo hoàn toàn và sơn lại bằng sơn phù hợp.
Sau khi sơn xong, bạn có thể khử mùi sơn bằng cách lấy một chút bột mì hòa vào nước rồi trộn với tỏi giã nhỏ, đặt ở dưới đất, vài giờ sau mùi sẽ giảm thấy rõ. Cứ thế vài lần, ngôi nhà của bạn sẽ không còn mùi khó chịu đó nữa. Bạn cũng có thể đặt ở dưới đất hai bát nước muối, mùi sơn sẽ hết ngay sau hai ngày.
Sau khi sơn nhà xong, bạn phải nghĩ ngay đến việc bảo quản chúng để ngôi nhà của bạn giữ được màu sắc lâu. Do móng nhà làm ở nơi tiếp xúc với mạch nước ngầm hoặc khối gạch xây không đặc chắc, nước bị hút ngược lên, làm ẩm tường và bong lớp sơn. Cũng có thể tường bị rạn nứt, nước mưa ngấm vào làm cho sơn bị mốc. Để khắc phục hiện tượng này, bạn nên áp dụng cách sau:
Khi làm nhà, đổ một lớp bê tông cốt thép hoặc ít nhất một lớp vữa mác cao (tỷ lệ khoảng 1 xi măng + 2 cát theo trọng lượng), dày 3-4 cm, suốt dọc theo móng, sát với nền đất thì có thể ngăn cản nước hút lên tường.
Nếu nhà đã xây rồi thì bạn có thể khắc phục theo cách sau: cạo bỏ lớp sơn cũ đã mốc, sửa lại các chỗ bị rạn nứt mà nước mưa có khả năng ngấm vào bằng hồ xi măng với độ dẻo (độ loãng) thích hợp, sau đó lăn sơn mới, dùng loại chống mốc. Không nên quét vôi lên lớp sơn cũ vì vôi không bám tốt vào sơn và chính vôi cũng bị mốc. Cũng không nên quét vôi rồi lại lăn sơn lên trên.